Nỗi ám ảnh về chiều 30 Tết trong kí ức người đàn bà biến tình địch thành ngọn đuốc sống

Nỗi ám ảnh về tuổi thơ thiếu thốn

Những ngày áp Tết, khuôn viên trại bắt đầu nhộn nhịp cảnh phạm nhân trang trí, quét vôi ve, tỉa hoa…chào mừng năm mới. Ngồi trò chuyện với tôi, người đàn bà có đôi mắt buồn sũng nước thi thoảng kéo vạt áo lau nhẹ những giọt nước mắt đua nhau chảy xuống.

Chị bảo, kí ức của chị là những trang đẫm buồn, chỉ cần một chút xao động, bao nhiêu cay cực, u uẩn và hờn giận của quá khứ lại ùa về. Nhìn cảnh những người đồng cảnh ngộ như mình trang sửa trại giam, chuẩn bị đón Tết, nỗi nhớ nhà, nhớ các con được dịp hối thúc.

Hải bảo có nằm mơ cũng không dám hình dung mình có một kết cục bi đát như hiện tại. Gia đình tan tác, chồng quay lưng với gia đình và dọn về sống chính thức với người đàn bà khác, hai đứa con bơ vơ, hoang mang về một tương lai vô định còn bản thân Hải đau đớn nhận án tù 18 năm với tội danh Giết người. Chị chỉ muốn cảnh cáo người đàn bà đã cướp chồng chị, cướp cha của những đứa con của chị, chứ thực tâm, chị không nuôi ý định hại chết cô ta.

Hải sinh ra và lớn lên ở Tuyên Quang. Người ta vẫn có câu ca truyền tụng: “Chè Thái, gái Tuyên” nhằm ám chỉ nhan sắc vượt trội của những cô gái mạn ngược nơi đây. Thời trẻ, Hải cũng là người phụ nữ có nhan sắc, nhưng sương gió với quá nhiều cay cực đã biến chị trở nên già trước tuổi. Đặc biệt, đôi mắt ướt của Hải lúc nào cũng buồn rười rượi, đến nỗi mẹ Hải không ít lần dự cảm: “Con gái mà mắt buồn như vậy không biết cuộc đời có truân chuyên hay không”. Những gì trải qua trong cuộc đời Hải từ thời thơ bé đã trả lời trọn vẹn điều lo sợ của mẹ.

Tuổi thơ của Hải hoàn toàn thiếu thốn tình thương của cha. Hải chỉ nhớ, cha đi công tác biền biệt hàng tháng trời chẳng về nhà. Ngôi nhà của hai mẹ con lúc nào cũng lạnh lẽo, cô quạnh, hoàn toàn thiếu vắng bàn tay người đàn ông. Năm thì mười hoạ cha về, xong lại vội vã đi ngay như thể nơi ấy chẳng có bất cứ điều gì khiến ông bận tâm. Mẹ thở dài buồn bã, nhưng bao nhiêu năm quen sống trong câm lặng và nhẫn nhịn, mẹ sau trước chưa từng đòi hỏi ở cha trách nhiệm, bổn phận của một người đàn ông xốc vác gia đình.

Mẹ luôn mang trong mình nỗi mặc cảm của người phụ nữ chân quê, bước ra từ rơm rạ, ai nồng mùi bùn, còn cha – một người đàn ông thoát ly khỏi đồng chiều luống cày, tiếp cận được những điều tươi mới ở chốn thị thành. Hải nhiều lần tỉnh dậy giữa đêm và nghe thấy tiếng khóc thầm của mẹ. Và trong suốt những năm tháng tuổi thơ cho tới sau này, hình ảnh của cha vô cùng mờ nhạt trong tâm trí cô, có chăng chỉ là sự ẩn hiện mơ hồ đằng sau dáng vẻ nhọc nhằn, lam lũ, xiêu vẹo trong tà áo nâu sồng bạc màu, cũ kĩ của mẹ.

Ảnh minh họa.

Mẹ Hải qua đời sớm, khi Hải vừa trở thành thiếu nữ. Trong đám tang mẹ, cha về và dẫn theo một người đàn bà khác. Lúc ấy, Hải mới hiểu lý do níu chân bố ở lại thành phố và biến gia đình như nhà trọ vãng lai. Hải hận bố và khước từ mọi lời đề nghị được lo liệu, chu cấp, nuôi dưỡng của ông. Bởi, đối với Hải, bố nợ mẹ cả một cuộc đời, nợ Hải một tuổi thơ trong trẻo, hồn nhiên đáng lí phải có, và một lời xin lỗi của bố chỉ càng khoét sâu sự tức tưởi, thù hận trong Hải.

Kể cả sau này, khi Hải đi lấy chồng, cô từ chối tất cả những món quà hồi môn của cha. Cô coi đó là sự ban phát, là sự cứu rỗi hòng chuộc lại quá khứ thiếu trách nhiệm của người đàn ông bao nhiêu năm bỏ quên gia đình, cô muốn cha phải đối diện với góc tối trong con người mình nốt phần đời còn lại.

Nước mắt muộn màng

Hải về làm dâu đất mỏ. Mẹ qua đời, cha không còn gần gũi, chồng con là tất cả tài sản Hải có được trong tay. Chị vun vén, nuôi dưỡng nó từng ngày. Hải bảo, chị từng cảm thấy may mắn khi có được một người chồng cùng chung trình độ văn hoá. Nhìn lại bi kịch của mẹ, Hải sợ hãi khi thấy sự chênh lệch về học thức của hai người, đó là một trong những nguyên do đẩy cha rời xa vòng tay của mẹ.

Chồng Hải là công nhân mỏ. Cả ngày quần áo lấm lem bụi than, Hải tin tưởng người đàn ông ấy bận túi bụi, chẳng có thời gian chăm sóc bản thân nói gì tới việc phản bội mẹ con chị. Hải chạy chợ, buôn bán nhỏ kiếm thêm vài đồng thu nhập, đóng tiền học phí cho con và thêm thắt cuộc sống gia đình.

Hải bảo, sau quá nhiều sóng gió và đổ vỡ lòng tin, sau quãng thời gian loay hoay tìm kiếm chốn bình yên, rốt cuộc chị đã tìm được hạnh phúc cho cuộc đời mình. Nhìn hai con lớn khôn, chồng chăm chỉ làm ăn và hết lòng thương vợ, đôi lúc nụ cười mãn nguyện đã hé nở trên đôi môi Hải.

Nhưng, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, mong manh hơn những gì Hải dồn tâm sức kỳ vọng. Chồng Hải bắt đầu đi làm sớm hơn và trở về nhà muộn màng hơn. Những ca trực, ca làm việc của anh theo đó mà đảo lộn. Ban đầu Hải thương chồng vất vả, cố gắng làm ngoài giờ để kiếm thêm tiền nuôi vợ con, chỉ tới khi điều tiếng về anh bay tới tai chị, Hải mới bắt đầu để ý kỹ hơn giờ giấc làm việc của chồng. Và một lần nữa, kí ức khủng khiếp, lạnh lẽo về những năm tháng tuổi thơ lại trở về trong tâm trí khi chị nhìn thấy chồng mình tay trong tay với một người đàn bà khác.

Hải biết người phụ nữ này. Cô ta cũng là công nhân mỏ than cùng nơi làm việc với chồng. Mấy lần trước còn tới nhà Hải chơi cùng nhiều bạn bè khác. Được biết, cô ta đã trải qua hai đời chồng nhưng cũng vì bản tính trăng hoa, lăng nhăng nên hạnh phúc không thể bền lâu. Hải sợ hai đứa con của mình sẽ rơi vào thảm cảnh giống như mẹ nó trước đây. Hải sợ anh sẽ bỏ rơi mẹ con chị quay quắt cô đơn và chạy theo người đàn bà khác giống như cha chị trước đây.

Không còn đường lựa chọn, Hải tìm gặp người đàn bà đó và cầu xin cô ta buông tha cho chồng chị. Nhưng cô ta nói rằng, Hải là một người phụ nữ quê mùa, cục mịch không hợp với chồng Hải, trong khi cô ta phơi phới trẻ trung và đầy mới lạ. Người đàn bà trơ tráo đó hách dịch cười cợt nỗi đau khổ và sự van nài của Hải.

Hải nuốt nước mắt vào trong, trở về nhà cố gắng kéo chồng trở về tổ ấm. Nhưng, chồng Hải khi đã say men “tình mới” chẳng còn đoái hoài gì đến vợ con. Thậm chí, bọn họ còn ngang nhiên công khai qua lại trước mặt Hải. Không muốn các con chịu cảnh thiệt thòi, chị cắn răng chịu đựng, nhẫn nhục chờ mong một ngày anh hồi tâm chuyển ý.

Hai người con của chị đang ở tuổi trưởng thành. Bất cứ biến động nhỏ trong gia đình cũng có thể ảnh hưởng tới tâm lý các con, nên Hải giấu nhẹm chuyện cha chúng có người đàn bà khác. Thi thoảng, cô con gái út bắt gặp Hải khóc một mình, nó gặng hỏi, chị chỉ biết quẩn quanh chối bay chối biến.

Thảm kịch xảy ra vào đúng chiều 30 Tết của hai năm trước. Cả chiều một mình chị lúi húi làm cơm cúng tất niên, còn anh nói đi ra ngoài tới tối mịt vẫn chẳng thèm về. Mâm cơm đã soạn sửa tươm tất, chỉ đợi anh về thắp hương cầu khẩn lên ông bà, tổ tiên, nhưng càng ngóng chồng, bóng anh càng mất hút.

Cô con gái 15 tuổi của chị đi tìm cha và chẳng hiểu ai xúi giục, nó tìm tới nhà người đàn bà ấy, chứng kiến cảnh cha và cô ta cười đùa với nhau bên mâm cơm tiễn biệt năm cũ, nó vừa khóc vừa trách cha vô tâm, vô tình.

Còn Hải, ruột nóng như lửa đốt đợi chồng và con thì cả hai đều mất dạng, chị lôi chiếc xe đạp cà tàng lao vào đêm tối. Có hàng xóm mách nước, bảo con gái chị đang ở nhà người đàn bà kia và còn bị cha đánh mắng vì tội hỗn hào, cơn sóng từ lâu kìm hãm trong lòng chị bật tung sôi sục. Đôi chân nhấn pê -đan, chị quay ngược xe tìm đến nhà tình địch. Trên đường đi qua cửa hàng bán xăng, Hải dừng xe mua 10.000 đồng và mang theo bên mình.

Những gì Hải tận mắt chứng kiến không thể kìm hãm cơn giận dữ đang cuộn trào trong chị. Con gái nước mắt ngắn nước mắt dài nhìn cha và người đàn bà kia cười nói; giọng nói đầy thách thức của người đàn bà mất nết kia vang lên trong những lần trước gặp chị; những năm tháng tuổi thơ không có vòng tay yêu thương của cha…tất cả dồn tụ, đổ xô vào cơn giận dữ của chị. Nhìn thấy chiếc bật lửa để trên bàn, Hải ném bịch xăng vào người đàn bà kia và châm lửa đốt. Tiếng la hét, tiếng giãy giụa, khóc lóc của tình địch kéo Hải trở về thực tại, Hải quýnh quáng cùng chồng dập ngọn đuốc sống trước mặt và đưa cô ta đi cấp cứu.

Bị tuyên phạt 18 năm với tội danh giết người, Nguyễn Thị Hải bảo giá như lúc ấy chị bình tĩnh hơn có lẽ mọi chuyện đã khác và bản thân cũng không phải chịu kết cục cay đắng như ngày hôm nay. Buổi chiều 30 Tết ngày hôm ấy và có lẽ, vĩnh viễn về sau này, luôn là kí ức buồn đối với Hải.

Vừa lau nước mắt, người đàn bà gầy gò ấy bảo, giờ đây chồng chị đã chuyển sang ở cùng người đàn bà đó, cuộc hôn nhân chị kỳ vọng cuối cùng đã rơi vào hố đen tăm tối. Điều an ủi duy nhất của Hải là hai đứa con thương mẹ vẫn lên thăm mẹ thường xuyên. Nhưng, trong tâm hồn chúng, nỗi đau về gia đình ly tán, nỗi hận người cha bội bạc ngày càng nung nấu, nỗi lo lắng của Hải về hai phận đời bước tiếp vào vết xe đổ của mẹ nó càng rõ rệt. Hải lại lau nước mắt, thở dài chờ đợi một buổi chiều 30 Tết nữa đang sắp sửa gõ cửa đánh thức nỗi đau không bao giờ nguôi trong chị

This post was last modified on Tháng ba 6, 2024 3:26 chiều

Trần Thu Uyên: Họ tên đầy đủ: Xin chào mình là thuuyen (tên thật là Trần Thu Uyên) Trình độ chuyên môn: Tốt nghiệp khoa Báo chí trường Học Viện Báo Chí Và Tuyên Truyền. Hai năm kinh nghiệm sản xuất những nội dung như ẩm thực, giáo dục, phong thủy, sự kiện, thần số học, chiêm tinh... Kinh nghiệm làm việc: Từ nhỏ mình đã có niềm đam mê với viết lách, đặc biệt là chia sẻ góc nhìn của mình về 1 vấn đề cụ thể. Mình luôn luôn nói đến và tìm kiếm liên hệ giữa mình và vũ trụ xung quanh. Mình là một biên tập viên của Vui Học Tiếng Hàn. Mình muốn dùng kiến thức và kinh nghiệm của bản thân qua một thời gian dài làm việc để truyền tải những giá trị tốt đẹp và tích cực tới mọi người. Các bạn có thể kết nối thêm với mình tại: https://twitter.com/thuuyen268 https://www.linkedin.com/in/thuuyen268/ https://www.twitch.tv/thuuyen268/ https://www.flickr.com/people/thuuyen268/ https://dribbble.com/thuuyen268/about https://www.behance.net/thuuyen268 https://github.com/thuuyen268 https://www.scoop.it/u/thuuyen268 https://vi.gravatar.com/thuuyen268 https://www.reddit.com/user/thuuyen268 https://issuu.com/thuuyen268 https://www.goodreads.com/thuuyen268 https://myspace.com/thuuyen268/ https://trello.com/u/thuuyen268 https://www.plurk.com/thuuyen268 https://linkhay.com/u/thuuyen268 https://linktr.ee/thuuyen268 https://www.pinterest.com/thuuyen286/ www.tumblr.com/thuuyen268 https://vimeo.com/thuuyen268 https://soundcloud.com/thuuyen268 https://patreon.com/thuuyen268