Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đang đến ngày một gần. Để giúp các bạn học sinh tổng hợp kiến thức về các tác phẩm văn học ôn thi vào 10 dễ dàng hơn, trong bài viết này, cùng HOCMAI phân tích tác phẩm Sang thu của tác giả Hữu Thỉnh.
I. Thông tin về tác giả – tác phẩm
1. Tác giả: Hữu Thỉnh
– Họ tên đầy đủ: Nguyễn Hữu Thỉnh
Bạn đang xem: Phân tích tác phẩm Sang Thu tác giả Hữu Thỉnh – HOCMAI
– Năm sinh: 1942
– Quê quán tác giả: huyện Tam Dương thuộc tỉnh Vĩnh Phúc
– Hữu Thỉnh là một trong những nhà thơ chiến sĩ tiêu biểu, trưởng thành trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ.
Cảm hứng và phong cách sáng tác:
– Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước: Cảm hứng sáng tác của Hữu Thỉnh chủ yếu bắt nguồn từ tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam
– Giai đoạn sau khi chiến tranh kết thúc: Tác phẩm thơ của Hữu Thỉnh lại hướng về những cảm xúc, trải nghiệm đời thường, những tâm tư, tình cảm của cuộc đời cá nhân
– Phong cách thơ Hữu Thỉnh: giàu cảm xúc tinh tế, lãng mạn; thường sử dụng các hình ảnh giản dị, gắn bó với đời sống mà vẫn tạo nên sức gợi cảm, nét đặc sắc rất riêng
2. Tác phẩm Sang Thu:
a. Hoàn cảnh ra đời tác phẩm Sang thu
– Tác phẩm “Sang thu” được ra đời vào năm 1977
– Bài thơ được xuất bản nhiều lần trong các tập thơ khắc nhau, gần đây nhất là tập thơ “Từ chiến hào đến thành phố” – tập thơ xuất bản vào năm 1991
b. Ý nghĩa nhan đề “Sang thu”
– Nhan đề “Sang thu” thể hiện khoảnh khắc đất trời, thiên nhiên đang đứng trước sự chuyển giao giữa 2 mùa hạ và mùa thu với nhiều khung cảnh đẹp đẽ
– Ngoài ý nghĩa miêu tả cảnh sắc thiên nhiên phút giây giao thoa giữa 2 mùa, nhan đề còn có ý nghĩa sâu xa về giai đoạn chuyển giao của cuộc đời. Đó là giai đoạn chuyển giao từ tuổi trẻ sang lứa tuổi trưởng thành, chững chạc và nhiều suy tư hơn
c. Bố cục nội dung
Bài thơ được chia thành 3 khổ tương ứng với 3 phần nội dung, cụ thể như sau:
– Khổ 1 (phần đầu): Khung cảnh thiên nhiên cho thấy tín hiệu giao mùa đã tới
– Khổ 2 (phần hai): Bức tranh thiên nhiên trong khoảnh khắc giao mùa
– Khổ 3 (phần cuối): Tâm tư tác giả về cuộc đời trước khung cảnh chuyển mùa sang thu
II. Phân tích tác phẩm Sang thu
1. Phân tích khổ thơ 1 Sang thu: Khung cảnh thiên nhiên cho thấy tín hiệu giao mùa đã tới
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”
– 4 câu thơ đầu là cảm nhận của tác giả trước sự thay đổi của thiên nhiên phút giao mùa
– “Sang thu” tuy chỉ diễn ra chớp nhoáng trong một khoảnh khắc, nhưng khoảnh khắc ấy giúp tạo nên sự đặc biệt của thiên nhiên. Khi hạ chưa kịp đi mà hương thu đã đến, cảnh vật lúc này dường như vừa mang nét của mùa thu, vừa vương chút lưu luyến của mùa hạ.
Tín hiệu từ “Hương ổi” báo hiệu mùa thu đã đến:
– “Hương ổi” là một hình ảnh gần gũi và quen thuộc, thích hợp để tạo nên một tứ thơ mới mẻ miêu tả tín hiệu mùa thu
– “Hương ổi” được tác giả cho đi kèm với tính từ “bỗng”, đặt ngay đầu câu thơ đã cho thấy một cảm giác đột ngột, bất ngờ và ngỡ ngàng của nhân vật trữ tình
– “Hương ổi” khi được đi nối tiếp với động từ “phả” trong câu thơ tiếp theo, đã diễn tả sự ngào ngạt và sánh đậm của làn hương. Hơn nữa, cách sử dụng từ còn gợi cho người đọc hình dung về không gian của những làng quê Việt Nam thân thuộc. Một làng quê điển hình của vùng đồng bằng Bắc Bộ với những vườn cây, những lối ngõ ngập tràn mùi hương cây trái
=> Làn “Hương ổi” trở thành nét đặc trưng của mùa thu, chỉ có trong thơ của Hữu Thỉnh
Tín hiệu từ làn “gió se” báo hiệu khoảnh khắc giao mùa đã đến:
– “Gió se” là ngọn gió heo may, làn gió nhẹ mát mang theo phong vị của mùa thu đất Bắc, tạo cho không khí có chút khô và chút se lạnh
– Làn “gió se” thuộc về mùa thu ấy đã kéo đến trong những phút giây giao mùa. Chỉ chút gió đầu mùa thôi nhưng đã làm dịu đi cái nắng gay gắt, oi ả của mùa hạ. Nó khiến cho mùi hương ổi chín như đặc quánh lại, trở nên ngọt ngào và ngây ngất lòng người hơn.
Tín hiệu từ những màn sương báo hiệu mùa thu đang đến rất gần
– Nếu “Hương ổi” được cảm nhận bằng khứu giác, “Gió se” được cảm nhận bằng xúc giác thì sang đến cảm nhận bằng thị giác, tác giả đã lựa chọn hình ảnh những màn sương để miêu tả phút giây giao mùa
– Sử dụng từ láy “chùng chình” kết hợp với nghệ thuật nhân hóa miêu tả “dáng điệu” của mà sương, tác giả đã gợi lên hình ảnh nàng “sương” đang tiến đến với dáng vẻ lãng đãng như đợi chờ. Có vẻ như “sương” đang cố ý bước những bước thật chậm, thể hiện sự lưu luyến trước khi chính thức nói lời chia tay với mùa hạ
– Sử dụng cụm từ “qua ngõ”, Hữu Thỉnh gợi cho người đọc liên tưởng đến khung cảnh làng quê thân thuộc với những đường làng, ngõ xóm nhỏ. Những con đường, ngõ xóm này vốn là nơi kết nối người dân với nhau, với đồng ruộng, nay bỗng trở thành cửa ngõ của thời gian, là nơi chứng kiến sự tương giao giữa hai mùa cuối hạ và đầu thu
Sự ngỡ ngàng, giật mình, bối rối của tác giả trước khoảnh khắc giao mùa được thể hiện qua câu thơ: “Hình như thu đã về”
– Tác giả sử dụng lối nói giả định ‘’Hình như” nhằm bộ lộ sự nghi hoặc, một phán đoán không chắc chắn về những chuyển biến của thiên nhiên đất trời. Tuy nhiên lối nói này rất phù hợp trong việc diễn tả sự mơ hồ, không rõ ràng của các tín hiệu báo hiệu thời khắc giao mùa đã đến
=> Sự kết hợp hài hòa của một loạt các từ “bỗng”, “phả”, “hình như” đã cho thấy cảm nhận tinh tế của tác giả về những thay đổi giữa hai mùa. Đó là cảm xúc ngỡ ngàng, xen lẫn vui mừng, hạnh phúc khi chứng kiến sự đổi thay của vạn vật xung quanh.
Tham khảo thêm: Soạn văn 9
2. Phân tích khổ thơ 2 Sang thu: Bức tranh thiên nhiên trong khoảnh khắc giao mùa
“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”
– 4 câu thơ đặc tả cảnh biến chuyển thiên nhiên thông qua những hình ảnh sự vật gần gũi và đặc trưng
Hai câu thơ đầu của khổ thơ thứ 2 được viết theo cấu trúc đối tự nhiên vừa giúp diễn tả vẻ đẹp thiên nhiên, vừa bộc lộ được cảm xúc lòng người trong những phút giây ấy
“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã”
Hình ảnh “dòng sông” được nhân hóa thông qua sử dụng từ láy “dềnh dàng”:
– Từ “dềnh dàng” miêu tả chân thực hình ảnh một dòng sông tĩnh lặng, yên bình, trong trẻo với dòng chảy êm đềm bao trùm lấy làng quê
– Sử dụng biện pháp nghệ thuật nhân hóa, tác giả đã biến hình ảnh dòng sông thành một con người sống, đang nghỉ ngơi sau một mùa hạ vất vả với bão giông
– Động từ “được lúc” còn gợi ra sự liên tưởng đến những con người đã đi qua thời chiến, trải qua mưa bom bão đạn, giờ đây, họ đang được chuyển mình sang giai đoạn sống chậm hơn, thời kì nghỉ ngơi
Hình ảnh những chú “chim” được nhân hóa thông qua sử dụng từ láy “vội vã”:
– Câu thơ tả thực cảnh những cánh chim xếp theo đàn, thi nhau di cư bay về phương Nam để tránh rét
– Những cánh chim được nhân hóa trở nên nhanh hơn, gấp gáp hơn khi nhận ra tín hiệu của mùa thu qua những đợt gió heo may se lạnh
– Động từ “bắt đầu” cùng với hình ảnh những cánh chim còn gợi liên tưởng đến những người lính bước ra từ trong chiến tranh. Cũng giống như tác giả, sau chiến tranh tưởng chừng như sẽ “bắt đầu” bước vào giai đoạn nghỉ ngơi để suy ngẫm. Song, chính thời khắc này là lúc họ cần “bắt đầu” phải vội vã, “bắt đầu” một cuộc sống mới với đầy lo toan, bỡ ngỡ.
Nghệ thuật đối được kết hợp nhịp nhàng giữa hai từ miêu tả trạng thái là “dềnh dàng” và “vội vã”:
– Nghệ thuật đối có vai trò làm nổi bật năng lượng trái ngược của thiên nhiên trong phút giây giao mùa
– Trong sự đối lập của thiên nhiên có sự đối lập tâm trạng của con người. Đó là giai đoạn con người phải học cách làm quen với hòa bình sau khi bước ra từ chiến tranh. Sự giao thoa tâm trạng con người được phản chiếu qua bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc
– 2 câu thơ tiếp theo tái hiện quang cảnh thiên nhiên qua những câu từ sáng tạo, độc đáo:
“Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”
Nghệ thuật nhân hóa được thể hiện qua cụm từ tượng hình “vắt nửa mình”:
Xem thêm : Tóm tắt, bố cục, nội dung chính văn bản Chuyện người con gái Nam Xương
– Hình ảnh “đám mây mùa hạ” thể hiện không gian của một bầu trời rộng lớn, mênh mông, lãng đãng những áng mây trôi
– “Đám mây” “vắt nửa mình” làm liên tưởng đến bước chuyển mình của thời gian. Hình ảnh đám mây như một cây cầu, nối liền giữa hai mùa hạ và thu
– Hình ảnh “đám mây mùa hạ” còn có ý nghĩa về thế sự, miêu tả khoảnh khắc giao thời của đời sống nhân dân VIệt Nam lúc bấy giờ, phải tập làm quen khi đất nước đang trong giai đoạn chuyển giao từ chiến tranh sang hòa bình
=> 4 câu thơ trong khổ thơ thứ hai đã tái hiện rất sống động cảnh sắc phút giao mùa qua những hình ảnh, sự vật giàu ý nghĩa. Hơn nữa, đằng sau bức tranh giao mùa còn là liên tưởng sâu sắc của tác giả về đời sống con người gắn liền với biến chuyển của đất nước
3. Phân tích khổ thơ 3 bài Sang thu: Tâm tư tác giả về cuộc đời trước khung cảnh chuyển mùa sang thu
“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”
Những biến chuyển của thiên nhiên được thể hiện qua hai câu thơ đầu
“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa”
Sử dụng nghệ thuật đối giữa hai trạng thái “vẫn còn” và “vơi dần”; “nắng” và “mưa”: tác giả đã miêu tả rõ nét sự vận động ngược chiều của hai hiện tượng thiên nhiên giữa hai mùa:
– Tác giả sử dụng hình ảnh “nắng” và “mưa” vì chúng là những hiện tượng thiên nhiên vô cùng quen thuộc, có tính chu kỳ và có thể dự đoán. Hơn nữa, với hình ảnh “nắng” và “mưa” có thể giúp người đọc dễ dàng hình dung hơn về khoảnh khắc giao mùa mà tác giả đang chứng kiến
– Những từ ngữ chỉ mức độ và mang tính ước lượng như: “vẫn còn”, “bao nhiêu”, “vơi”, “bớt” được sắp xếp theo cấp độ giảm dần, đã thể hiện dấu hiệu của mùa hạ đang nhạt dần. Trong khi đó những dấu hiệu của mùa thu ngày một đậm nét hơn.
Đứng trước mùa thu của đất trời, tác giả đã có những suy ngẫm về đời người qua những hình ảnh giàu sức gợi trong 2 câu thơ:
“Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”
Hình ảnh “sấm” đem lại nhiều ý nghĩa
– Sấm vốn được coi là một hiện tượng tự nhiên, thường xuất hiện vào mùa hạ và là dấu hiệu trước những trận mưa rào
– Sấm trong thơ của Hữu Thỉnh là hình ảnh ẩn dụ độc đáo, phản chiếu những biến động, bất ổn của đời người
Hình ảnh “sấm” với trạng thái cảm xúc“bớt bất ngờ” và hình ảnh giàu tính hình tượng “hàng cây đứng tuổi”:
– Câu thơ là cách tác giả miêu tả chân thực về một hiện tượng thời tiết khi sang thu: tiếng sấm có vẻ như đã nhỏ dần, âm thanh của sấm không còn đủ sức làm lay động những hàng cây già, đã trải qua nhiều lần “sang thu”
– Hai câu thơ là sự ẩn dụ về những con người từng trải, khi đã đến tuổi xế chiều, họ có nhiều kinh nghiệm hơn. Đối với họ, những đổi thay, biến chuyển của cuộc đời không còn “bất ngờ” nữa. Thay vào đó, họ đã có thể vững vàng và ung dung trước sự biến đổi của thời cuộc
=> Khổ thơ cuối với những hình ảnh giàu tính hình tượng, đã vè lên trọn vẹn bức tranh thiên nhiên và cảm xúc đời người trong thời khắc sang thu.
III. Tổng kết chung phân tích Sang Thu
1. Về nội dung tác phẩm Sang thu
Bài thơ “Sang thu” là một khúc giao mùa nhẹ nhàng, thơ mộng mà tác giả Hữu Thỉnh muốn thông qua đó để thể hiện những tâm tư và tình cảm của bản thân trước sự thay đổi của cuộc sống. Không những vậy, sự cảm nhận tinh tế của tác giả về vẻ đẹp thiên nhiên với những bước chuyển mình từ hạ sang thu đã góp phần tô đậm vẻ đằm thắm về mùa thu nơi làng quê Việt Nam.
2. Về nghệ thuật trong bài thơ Sang thu
– Sử dụng ngôn ngữ thơ và hình ảnh thơ gần gũi, giản dị nhưng vẫn giàu tính ẩn dụ, đặc sắc và ấn tượng
– Giọng thơ nhẹ nhàng, sâu lắng, đậm tính triết lí
– Kết hợp nhuần nhuyễn biện pháp nhân hóa, từ láy tạo nên nhiều tầng ý nghĩa, làm cho câu thơ trở nên sinh động hơn
Trên đây là nội dung Phân tích tác phẩm Sang thu của tác giả Hữu Thỉnh. Hy vọng với phần phân tích trên của HOCMAI có thể giúp các bạn học sinh nắm vững kiến thức về tác phẩm thơ, sẵn sàng cho các kỳ thi quan trọng sắp tới!
Tham khảo thêm:
Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương
Nguồn: https://thegioiso.edu.vn
Danh mục: Văn Học