Thường lúc đó làng hoa vào mùa rất bận rộn, người lo bán cho thương lái, kẻ thì tự tìm cách chở lên phố, chợ; lớp vào chậu, cắt cành, tốp tỉa tót, khuân vác, tất bật rộn rã cả ngày đêm…
20 năm sau, làng hoa ấy đã không còn để mỗi dịp Tết về phải da diết nhớ…
Bạn đang xem: Làng hoa Gò Vấp – một thời vàng son
Tìm về lối cũ
Mất cả tiếng đồng hồ, tôi mới tìm được nhà cô bạn gái quen từ hồi còn trọ học ở làng hoa Gò Vấp. Nhà Thảo nằm trong con hẻm trên đường Cây Trâm (P.11, Q.Gò Vấp), nơi mà chỉ cách đây hai mươi năm được xem là một trong những làng hoa lớn của thành phố.
Hồi mới biết cô bạn, khi ấy con phố Cây Trâm sầm uất này còn đường làng, hai bên bạt ngàn hoa cảnh, xen lẫn là những căn nhà mái ngói âm dương cổ kính thơ mộng. Tôi rụt rè định bấm chuông căn nhà phố cao tầng, nhưng Thảo đã đứng chờ cửa.
Nhiều năm không gặp, giờ trông cô có vẻ đậm đà và khá sang trọng, khác hẳn thôn nữ trồng hoa mảnh mai ngày nào mà tôi hay mơ mộng.
Tôi nói vui là mình tìm gặp để cốt kiếm một ít giống hoa lạ mà biết chắc Thảo sẽ có. Cô cười bảo ở đây giờ muốn thứ gì thì được, chứ hoa hơi khó tìm.
“Anh biết rồi còn gì, cả khu này là vườn nhà em nè! Nhà cửa san sát thế này thì còn hoa đâu nữa chứ” – cô nói. Thảo tâm sự, thực ra không phải người trồng hoa nào cũng đều muốn thay đổi như vậy, nhưng do đất đai cứ lên giá vù vù nên chẳng mấy ai còn mặn mà với việc trồng hoa đem lại hiệu quả kinh tế thấp nữa.
Xem thêm : Tổng Hợp Những Bài Hát Karaoke Hay Nhất Cho Nữ
Gia đình cô cũng vậy, đã bán hết vườn từ thời ông cố để lại, lấy tiền cất nhà và chia vốn liếng cho từng người ra làm ăn bằng nghề nghiệp khác. Thảo bây giờ là chủ của một shop thời trang trên đường Quang Trung gần đấy.
“Dù vậy nhưng em biết hiện vẫn còn một số hộ đang theo nghề”. Như chợt nhớ điều gì, cô nói thế rồi hối thúc: “Anh chở em qua Phạm Văn Chiêu đi, bên đó đang có người trồng hoa!”.
Tôi cho xe chạy vòng vèo một hồi qua giáo xứ Thạch Đà, khu chợ Nhỏ, rồi đến gần Trung tâm Văn hóa quận vẫn chưa tìm được hộ trồng hoa nào. Cả “con đường hoa kiểng” ngày nào mà chúng tôi từng đi qua, giờ là những dãy nhà cao tầng san sát với đủ thứ dịch vụ, tiệm hớt tóc, quán cà phê và cả những điểm bán hàng “sôn” dịp cuối năm đang tràn trên vỉa vè.
Sực nhớ tới những ngày khi tôi còn trọ học ở đây, cứ vào dịp này đi đến đâu cũng ngập tràn hoa. Hoa nở rộ trong vườn, trên luống và được bày bán dọc hai bên các tuyến đường rất đẹp. Làng hoa lúc đó vào mùa dường như ngày nào cũng tất bật, người lo thu hoạch bán tại vườn, kẻ lại chạy đôn chạy đáo tìm cách chở lên phố, chợ.
“Thời đó đúng là cực mà vui thiệt anh à! Giờ đi qua đây em thấy nhớ quá…” – Thảo ngồi sau thì thào. Tôi lảng tránh vờ như không nghe, nhưng có gì đó lại chạy về trong lòng, thấy nhớ đến kỳ lạ.
“Nói vậy chứ bà chủ shop thời trang vẫn sướng hơn nhiều so với cô gái trồng hoa lấm lem chứ…” – tôi bắt chuyện để khỏa lấp. Thảo cười: “Anh nói vậy là thêm một lần không hiểu hết người trồng hoa như em rồi”.
Đời hoa, đời người…
Cuối cùng, chúng tôi cũng tìm được một vài vườn hoa nhỏ nằm sâu trong các con hẻm ngoằn ngoèo trên đường Lê Văn Thọ. Dẫu ít ỏi nhưng vẫn còn đó những luống cúc, vạn thọ, thược dược… Hỏi thăm rồi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Thân, hộ đã có 5 đời trồng hoa ở đây.
Xem thêm : Tra cứu điểm thi tuyển sinh lớp 10 năm 2023 của 63 tỉnh, thành
Ông Thân giờ có thể được xem là một trong ít người còn lại chứng kiến đầy đủ các bước thăng trầm của làng hoa. Gần 90 tuổi, cả đời ông gần như gắn bó trọn vẹn với hoa và vùng đất này.
Khoảng 20 năm trước, gia đình ông có hơn một mẫu chuyên trồng các loại vạn thọ, hướng dương và mai ghép. Nhưng chỉ không lâu sau đó, đô thị hóa đến quá nhanh, đất trồng hoa cứ thế hẹp dần, các con thúc bán để mở quán cà phê và xây phòng trọ, ông đồng ý nhưng cương quyết giữ lại một khoảnh vườn và ngôi nhà cũ trên đó cho đến tận hôm nay.
Nghe hỏi về nghề hoa, ông hào hứng lên hẳn, rồi than cả chục năm nay chẳng có ai để mà chia sẻ. Chống gậy dẫn hai chúng tôi ra sau khoảnh vườn nằm lọt thỏm giữa những dãy phòng trọ, ông say sưa giảng giải về cách gieo trồng và đặc tính của từng loại hoa trong vườn. Ông nói rất tiếc vì hoa Gò Vấp có nét riêng không nơi nào sánh bằng, nhưng giờ xem như tàn lụi hết, có muốn truyền nghề cũng không thể được nữa.
Ngồi bên hiên nhà cũ kỹ, nhấp ngụm trà trong chút se lạnh chiều cuối năm, ông Thân trầm ngâm hoài niệm về thời đã trôi qua với ít nhiều tiếc nuối. Ông kể làng hoa Gò Vấp đã tồn tại hơn 300 năm cùng với chiều dài lịch sử của vùng đất Sài Gòn – Gia Định. Sở dĩ gọi tên như vậy vì cả hàng ngàn hécta đất (bao gồm các phường 11, 12, 13 ngày nay) chỉ toàn hoa kiểng.
Lúc ông sinh ra làng hoa đã rộng lớn từ bao giờ. Rồi hoa giúp vợ chồng ông khấm khá, nuôi 7 đứa con khôn lớn. Vườn kiểng Tám Thân nổi danh một thời cũng là nơi thường giúp đỡ, hướng nghiệp cho nhiều hộ tại địa phương để cùng phát triển.
“Tui đã nguyện với tổ tiên là không bao giờ phụ cái nghề này và các con tui cũng phải vậy… Nhưng thôi, suy cho cùng hoa cũng như người vậy, có lúc rồi cũng dừng, cố níu kéo mãi sao đặng” – ông buông tiếng thở dài.
Đến làng hoa cũ những ngày này, đâu đâu tôi cũng nghe bàn tán chuyện một năm kinh doanh, làm ăn khấm khá. Xem ra đời sống khó nhọc ngày nào giờ đã nhường chỗ cho sự đổi thay và phát triển tốt đẹp hơn.
Khi chia tay, Thảo nói, nếu tôi muốn tìm lại một chút hình ảnh giống xưa thì bữa nào rảnh đi với cô lên miệt Tân Phú Trung (Củ Chi), vì ở đó làng hoa hãy còn sum suê và thơ mộng. Tôi gật đầu, nhưng lòng cứ phân vân không biết có nên đi, vì cứ sợ cái cảm giác một ngày không xa nào đó lại phải luyến tiếc miệt vườn ấy như chính giờ với cái làng hoa này.
Dẫu biết sự đổi thay theo nhịp đập phát triển là lẽ đương nhiên, nhưng sao vẫn cứ thấy ngậm ngùi. Có lẽ tôi là người hay hoài niệm và cổ lỗ quá nên mới nghĩ vậy?
Nguồn: https://thegioiso.edu.vn
Danh mục: Trend